CHỤP X-QUANG: NGUYÊN LÝ, QUY TRÌNH VÀ ĐỐI TƯỢNG CHỈ ĐỊNH

Chụp Xquang là gì?

Chụp X quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến trong nhiều thập kỷ qua. Nó tạo ra hình ảnh rõ nét về hệ cơ xương và một số mô trong cơ thể, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và điều trị nhiều loại bệnh lý, đặc biệt là các bệnh liên quan đến xương khớp, tim mạch, hô hấp.

Nguyên lý chụp Xquang kỹ thuật số

Máy X-quang sử dụng loại bức xạ ánh sáng hoặc sóng vô tuyến. Một ống đặc biệt bên trong máy sẽ phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, được các mô trong cơ thể hấp thụ ở những mức độ khác nhau. Các mô dày đặc như xương sẽ chặn hầu hết tia bức xạ, trong khi các mô mềm như mỡ hoặc cơ, chặn ít hơn.

Sau khi đi qua cơ thể, chùm tia X chiếu vào một tấm phim hoặc máy dò đặc biệt. Các mô chặn lượng bức xạ cao, chẳng hạn như xương, hiển thị dưới dạng vùng trắng trên nền đen. Các mô mềm ngăn chặn ít bức xạ hơn được hiển thị với màu xám. Những khối u thường dày đặc hơn các mô xung quanh, vì vậy chúng có màu xám nhạt hơn. Các cơ quan chủ yếu là không khí (chẳng hạn như phổi) thường có màu đen.

                     Thời gian chụp ngắn, cho kết quả nhanh, phát hiện được nhiều bệnh lý – đó là những ưu điểm của chụp X-quang

Chỉ định và chống chỉ định chụp X-quang

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp X-quang để:

  • Kiểm tra kỹ bộ phận cơ thể khiến bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu
  • Theo dõi sự tiến triển của một bệnh lý sau một thời gian điều trị, chẳng hạn như loãng xương, viêm khớp, viêm phổi…
  • Kiểm tra xem phương pháp điều trị mà bác sĩ thiết lập cho bạn có tác dụng cải thiện tình trạng bệnh như thế nào

Người bệnh đang (hoặc nghi ngờ mắc) các bệnh lý sau đây sẽ được chỉ định chụp X-quang:

  • Khối u vú
  • Bệnh lý tim mạch
  • Tắc nghẽn mạch máu
  • Bệnh về đường hô hấp
  • Vấn đề về tiêu hóa
  • Bệnh lý xương khớp: gãy xương, loãng xương, viêm khớp, ung thư xương…
  • Bệnh về răng: sâu răng, viêm nướu, răng mọc lệch…
  • Nuốt phải các đồ vật nhỏ hoặc hóc dị vật

Phương pháp chụp X-quang không chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là ba tháng đầu
  • Người đang ở giai đoạn nghiêm trọng của bệnh lý
  • Người đang bị tràn khí màng phổi hoặc chảy máu

Chống chỉ định chụp X-quang cản quang cho những bệnh nhân:

  • Đái tháo đường giai đoạn mất bù
  • Suy gan và thận nghiêm trọng
  • Người mẫn cảm với các chất chứa iốt
  • Người bị bệnh lý tuyến giáp
  • Phụ nữ đang cho con bú

Chụp X-quang được áp dụng khảo sát những bộ phận nào?

Kỹ thuật X-quang được sử dụng để kiểm tra nhiều bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như: (1)

1. Xương và răng

  • Gãy xương và nhiễm trùng: Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng gãy xương và nhiễm trùng ở xương/răng sẽ hiển thị rõ ràng trên phim chụp X-quang.
  • Viêm khớp: Chụp X-quang là phương pháp dễ dàng nhất giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp, cũng như xác định mức độ khớp bị thương tổn.
  • Sâu răng: Nha sĩ sử dụng máy X-quang để kiểm tra lỗ sâu trên răng hoặc các vấn đề về răng khác.
  • Loãng xương: Các phương pháp chụp X-quang đặc biệt có thể đo mật độ xương.
  • Ung thư xương: Chụp X-quang sẽ cho ra hình ảnh khối u xương.

2. Ngực

  • Viêm phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác: Các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, lao hoặc ung thư phổi có thể hiển thị trên X-quang ngực.
  • Ung thư vú: Chụp X-quang được áp dụng để kiểm tra mô vú, từ đó phát hiện các biểu hiện của ung thư vú.
  • Suy tim sung huyết: Triệu chứng suy tim sung huyết hiển thị rõ ràng trên phim chụp X-quang.
  • Mạch máu bị tắc nghẽn: Tiêm chất cản quang chứa i-ốt sẽ giúp làm nổi bật các phần của hệ thống tuần hoàn, nhờ đó phát hiện sớm những đoạn mạch máu bị tắc nghẽn.

3. Bụng

  • Các vấn đề về đường tiêu hóa: Bari, một chất cản quang, có tác dụng làm rõ nét hình ảnh X-quang, giúp phát hiện sớm các vấn đề trong hệ tiêu hóa.
  • Dị vật bị nuốt: Nếu trẻ nhỏ không may nuốt phải vật gì đó, phim chụp X-quang sẽ cho biết vị trí của vật đó.

Quy trình chụp X-quang

Một lần chụp Xquang chỉ diễn ra trong vài phút. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị kỹ trước, trong và sau khi chụp để quá trình chụp đạt được kết quả tối ưu.

1. Trước khi chụp

Quy trình chụp X-quang khá đơn giản nên bạn không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi chụp. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mặc áo rộng của bệnh viện, đồng thời loại bỏ đồ trang sức hoặc vật dụng bằng kim loại khỏi cơ thể.

Nếu trong người bạn mang thiết bị y tế bằng kim loại từ các cuộc phẫu thuật trước đó (như ốc tai điện tử, van tim nhân tạo, khớp nhân tạo, máy tạo nhịp tim…), hãy nói với bác sĩ để tìm hướng xử lý. Bởi lẽ, những thiết bị này có thể chặn tia X đi qua cơ thể bạn và tạo ra hình ảnh trên phim X-quang không chính xác.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần dùng thuốc cản quang trước khi chụp X-quang. Đây là chất giúp cải thiện chất lượng hình ảnh trên phim chụp. Nó có thể chứa các hợp chất iốt hoặc bari. Tùy thuộc vào lý do chụp X-quang, thuốc cản quang sẽ được đưa vào cơ thể theo những cách khác nhau, bao gồm:

  • Đường uống
  • Đường tiêm
  • Đường xổ

Nếu bạn chụp X-quang để kiểm tra đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trước khi chụp. Điều này nhằm đảm bảo quá trình chụp diễn ra thuận lợi và kết quả thu về trên phim chụp đạt độ chính xác cao.

2. Trong khi chụp

Khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ thuật viên X-quang sẽ cho bạn biết cách định vị cơ thể để tạo ra hình ảnh rõ ràng. Họ có thể yêu cầu bạn nằm, ngồi hoặc đứng ở một số tư thế trong quá trình kiểm tra. Dù ở tư thế nào, bạn cũng phải giữ cơ thể bất động trong lúc chụp để phim chụp cho ra hình ảnh rõ ràng nhất.

Buổi chụp sẽ kết thúc ngay khi kỹ thuật viên X-quang cảm thấy hài lòng với hình ảnh thu thập được.

3. Sau khi chụp

Khi hình ảnh X-quang đã được thu thập, bạn có thể thay quần áo trở lại. Lúc này, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ khuyên bạn sinh hoạt bình thường hoặc nghỉ ngơi trong lúc chờ đợi kết quả.

Nhận được bản chụp X-quang, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định bạn thực hiện các chẩn đoán hình ảnh bổ sung nếu cần. Ví dụ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp CT, MRI, làm xét nghiệm máu hoặc tiến hành các chẩn đoán lâm sàng khác.

Khi mọi kết quả đã rõ ràng, bạn cần hỏi bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, đồng thời hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị để bệnh chóng lành.

Chụp X-quang có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Chụp X-quang là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh lâu đời và phổ biến nhất. Tuy lợi ích mà phương pháp này mang lại nhiều hơn hẳn so với rủi ro, nhưng bạn vẫn cần lưu tâm đến những ảnh hưởng (có thể xảy ra) của phương pháp X-quang đối với sức khỏe: (2)

    • Tăng nguy cơ ung thư: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tiếp xúc với bức xạ cường độ mạnh quá nhiều làm tăng nguy cơ ung thư. So với trẻ em, người lớn ít nhạy cảm với bức xạ hơn. Tuy lượng bức xạ trong tia X khá thấp nhưng nếu chụp X-quang liên tục trong một thời gian dài, người bệnh cũng phải đối mặt với nguy cơ ung thư. Do đó, bạn không được tự ý chụp X-quang mà phải có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, nên chụp ở những cơ sở y tế có máy móc hiện đại, vì với các thiết bị chụp X-quang cũ thì khả năng ảnh hưởng của tia X lên cơ thể bệnh nhân là rất cao.
    • Ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em: Nếu bé nhà bạn cần chụp X-quang, kỹ thuật viên sẽ đeo tạp dề chì cho bé để bảo vệ cơ thể khỏi tiếp xúc với tia X. Đồng thời, bé cần được giữ nằm yên nhằm đảm bảo quá trình chụp diễn ra thuận lợi, không phải lặp lại lần thứ hai, thứ ba… Càng ít tiếp xúc với tia X, càng giảm được mức độ tổn thương mà tia này gây ra cho cơ thể trẻ.
    • Không tốt cho thai kỳ: Nếu bạn đang mang thai hoặc có khả năng mang thai, hãy nói với bác sĩ để được chỉ định một phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Bức xạ từ tia X sẽ tác động không tốt đến sức khỏe thai phụ cũng như sự phát triển của thai nhi.
    • Phản ứng với chất cản quang: Tuy hiếm khi xảy ra nhưng tình trạng dị ứng với chất cản quang rất đáng để lưu tâm. Một số người bị đau, sưng hoặc tấy đỏ tại vị trí tiêm; có người buồn nôn, mệt mỏi sau khi uống dung dịch chứa chất cản quang. Đây là hiện tượng bình thường, sẽ hết hẳn sau khi chụp X-quang vài giờ. Nếu bạn cảm thấy không thể chịu được, hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ.
Bài viết liên quan