1. Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là tình trạng sụn khớp – bộ phận có chức năng bảo vệ và giảm ma sát trong khớp bắt đầu bị bào mòn, phá vỡ cấu trúc. Ngoài ra, các mô xung quanh cũng có thể bị tổn thương, dịch nhầy bôi trơn tại khớp bị suy giảm, khiến các cử động tại đây trở nên khó khăn hơn.
Khớp bị thoái hóa là một dạng tổn thương thường gặp nhất, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy có khoảng 30% người trên 35 tuổi bị thoái hóa khớp. Tỷ lệ này tăng lên 60% ở người trên 65 tuổi và 85% ở người trên 85 tuổi.
2. Vị trí thoái hóa khớp
2.1 Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tình trạng thường gặp nhất, xảy ra khi lớp sụn bao bọc khớp gối bị hao mòn, rách hoặc tiêu biến. Phần xương khớp gối không còn được lớp sụn bảo vệ chà xát lên nhau gây đau đớn, viêm sưng hạn chế trong di chuyển. Trong nhiều trường hợp, viêm khớp do thoái hóa thúc đẩy các gai xương trên khớp gối hình thành dẫn đến bệnh gai khớp gối và làm trầm trọng hơn.
2.2 Thoái hóa khớp háng
Những bệnh nhân gặp tình trạng khớp háng bị thoái hóa thường sẽ đi lại khó khăn. Ở giai đoạn đầu của bệnh thường khó chẩn đoán vì cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau, bao gồm háng, đùi, mông hoặc đầu gối. Cơn đau có thể nhói và buốt hoặc có thể đau âm ỉ và phần hông thường cứng
2.3 Thoái hóa khớp cùng chậu
Các triệu chứng dễ gặp nhất khi bị viêm khớp cùng chậu thường là đau thắt lưng, hông, cảm giác tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế, mệt mỏi. Viêm thoái hóa khớp cùng chậu là tình trạng viêm khớp, sưng đau ở khớp nối xương cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh trên. Người bệnh có thể bị ở 1 khớp hoặc cả 2 khớp cùng chậu.
2.4 Thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay
Thoái hóa các khớp ở bàn tay, cổ tay thường gặp ở người lớn tuổi. Lúc này, lượng máu được cung cấp để nuôi dưỡng vùng khớp nói chung và khớp bàn tay, ngón tay bị suy giảm gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở các sụn, giảm sức chịu lực trước tác động liên tục và hàng ngày lên khớp.
2.5 Thoái hóa khớp cổ chân
Viêm khớp thoái hóa cổ chân thường hay thường gặp ở người trên 40 hoặc có công việc sử dụng nhiều đến cổ chân như vận động viên, cầu thủ bóng đá… Bệnh tiến triển chậm, với các triệu chứng ban đầu mơ hồ, khó nhận biết. Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân, cảm giác nặng nề và kém linh hoạt khi vận động. Những cơn đau nhói đến khi người bệnh gắng sức hoặc tác động trực tiếp vào vùng khớp bị tổn thương.
2.6 Thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ gây đau cổ hoặc thắt lưng. Các gai xương hình thành dọc theo cột sống khớp (gai cột sống) có thể kích thích các dây thần kinh cột sống, gây đau dữ dội, tê và ngứa ran ở các bộ phận bị ảnh hưởng của cơ thể.
Các vị trí thoái hoá thường gặp
3. Nguyên nhân thoái hóa khớp
Thông thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp được diễn ra linh hoạt và trơn tru. Tuy nhiên, sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa xuất hiện nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất căn bằng giữa tái tạo và thoái hóa của sụn khớp, xương dưới sụn khiến chúng bị tổn thương nặng nề.
Những tác nhân có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình này đó là:
- Tuổi tác: Sau tuổi 40 thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
- Béo phì: Trọng lượng của cơ thể càng nặng càng dễ gây áp lực cho hệ thống xương khớp, khiến dây chằng bị tổn thương và suy thoái dẫn đến thoái hóa khớp, nhất là đối với các vùng khớp chịu lực nhiều như cột sống và 2 đầu gối.
- Tổn thương khớp: Những người làm việc nặng nhọc, lặp đi lặp lại một động tác mang phải sử dụng nhiều đến lực của khớp sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
- Dị dạng bẩm sinh về khớp: Những người sinh ra đã có tật về khớp hoặc khớp có bất thường lúc trẻ có nguy cơ thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.
- Gen di truyền: Một số đối tượng có gen di truyền chức năng hình thành sụn bị khiếm khuyết thường dễ bị thoái hóa khớp.
- Chấn thương khớp: Chấn thương ở khớp do luyện tập thể thao quá độ, tai nạn… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như:
- Sinh hoạt sai tư thế, thường xuyên mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, ít vận động.
- Chế độ ăn uống không khoa học, không đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu canxi, glucosamine và chondroitin.
- Người mắc các bệnh lý khác như loãng xương, nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp… cũng làm gia tăng tỷ lệ thoái hóa khớp.
4. Dấu hiệu của thoái hóa khớp
Các biểu hiện trong thoái hóa khớp thường phát triển chậm và mức độ tăng nặng hơn theo thời gian, các dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:
- Đau nhức: Các khớp bị ảnh hưởng có thể bị đau trong hoặc sau khi vận động, các cơn đau thường âm ỉ và biến mất khi người bệnh không hoạt động. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau tăng nặng về mức độ và kéo dài hơn, gây cho người bệnh nhiều đau đớn và phiền toái hơn.
- Cứng khớp: Triệu chứng này thường đi kèm với những cơn đau và được thấy dễ dàng nhất sau khi bệnh nhân thức dậy, hoặc sau một thời gian không vận động, di chuyển.
- Xuất hiện tiếng khớp kêu khi di chuyển: Người bệnh có thể cảm thấy một cảm giác nóng ran khi sử dụng khớp và có thể nghe thấy tiếng lộp cộp hoặc lách cách khi cử động.
- Teo cơ, sưng tấy: Thoái hóa khớp kéo dài thường dẫn đến tình trạng sưng tấy làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh khớp. Nếu không vận động trong thời gian dài sẽ gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục,…
5. Biến chứng
Thoái hóa khớp nếu không được điều trị và chẩn đoán kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Bệnh gút (gout): Đây được xem là biến chứng của thoái hóa khớp, tình trạng này dẫn đến sự thay đổi ở sụn dẫn đến việc hình thành các tinh thể urat natri trong khớp dẫn đến mắc bệnh gout và sưng đau.
- Trầm cảm và lo âu: Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng những cơn đau do viêm khớp thoái hóa có liên hệ mật thiết với chứng trầm cảm lo âu, nhiều bệnh nhân chia sẽ họ có lo lắng về mặt tinh thần khi mắc bệnh.
- Tăng cân: Khi các khớp bị sưng đau dẫn đến người bệnh có xu hướng ít vận động lại, điều này dẫn đến nguy cơ béo phì do thiếu vận động.
- Rối loạn giấc ngủ: Những cơ đau khiến người bệnh trở nên khó khi vào giấc ngủ và có được một giấc ngủ ngon và sâu.
- Vôi hóa sụn khớp: Thoái hóa xương khớp hình thành các tinh thể canxi lắng đọng trong sụn. Vôi hóa sụn khớp làm cho tình trạng viêm trở nên nặng hơn, có thể dẫn đến những cơn đau cấp tính.
Các biến chứng viêm khớp thoái hóa khác gồm:
- Xương bị hoại tử;
- Gãy xương;
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng;
- Gân và dây chằng quanh khớp bị tổn thương;
6. Chẩn đoán thoái hoá khớp
Việc chẩn đoán chính xác có ý nghĩa quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị thoái hóa khớp, vì vậy người bệnh cần lưu ý lựa chọn cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ xương khớp uy tín để tiến hành thăm khám. Tại Hồng Ngọc, chẩn đoán thoái hóa khớp được thực hiện theo quy trình sau:
6.1 Khám lâm sàng
Trước tiên, bác sĩ hỏi bệnh nhân một số thông tin liên quan đến bệnh sử, các triệu chứng đã và đang gặp phải, diễn ra trong bao lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra một số vấn đề như:
– Dấu hiệu “phá rỉ khớp”: cứng khớp buổi sáng kéo dài dưới 30 phút, bệnh nhân phải vận động một lúc cử động mới trở lại bình thường
– Tiếng động bất thường khi cử động khớp: lạo xạo, lục cục, lắc rắc…, hạn chế vận động ở các khớp tổn thương. Giới hạn vận động do gai xương, do mặt sụn không trơn nhẵn hoặc co cứng cơ cạnh khớp. Kẹt khớp khi cử động có thể là do vỡ sụn chêm, bong các mảnh sụn vào trong ổ khớp.
– Biến dạng các khớp, lệch trục khớp, chồi xương quanh khớp.
6.2 Xét nghiệm hình ảnh
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nhiệm chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân gây thoái hóa khớp chính xác nhất.
Chụp X-quang: Giúp phát hiện các khe khớp hẹp, mọc gai xương, đặc xương dưới sụn ở vùng chịu lực tỳ đè lớn hoặc khuyết xương. Đây là chẩn đoán hình ảnh đầu tiên được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp.
Chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính): Nhằm kiểm tra sự thay đổi cấu trúc xương như khuyết tật sụn khu trú và tổn thương tủy xương ở xương dưới sụn.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, bệnh nhân còn phải làm thêm các xét nghiệm khác như siêu âm, xét nghiệm công thức máu – đông máu, xét nghiệm dịch khớp định lượng mức đường trong máu với bệnh nhân trên 50 tuổi, có chỉ số BMI > 25 và tiền sử đái tháo đường, xét nghiệm men gan và creatinin, điện giải đồ, điện tâm đồ,…
7. Điều trị thoái hóa khớp đúng cách, hiệu quả
Khi nhận thấy khớp của mình có những dấu hiệu bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là các cách điều trị thoái hóa khớp theo từng giai đoạn bệnh:
7.1 Sử dụng các loại thuốc
Các loại thuốc thường được chỉ định sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm: thuốc tiêm, thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ. Bệnh nhân cần phải tuân thủ quy trình sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng, để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên, phương pháp này khó được duy trì lâu dài vì tác dụng phụ rất nhiều và nặng nề. Thuốc thường dùng qua đường uống, bôi, dán tại chỗ hoặc đường tiêm trực tiếp vào ổ khớp.
7.2 Vật lý trị liệu
Đối với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyến khích điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, xung điện, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn, luyện tập cơ, khớp, xoa bóp… giúp xoa dịu các cơn đau, chống viêm. Đồng thời, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh ảnh hưởng đến khớp.
7.3 Điều trị bảo tồn bằng các chế phẩm sinh học
Tiêm chất nhờn nhân tạo Acid Hyaluronic hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP là 2 phương pháp điều trị bảo tồn được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong điều trị thoái hóa khớp. Trong đó, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp an toàn, được ưu tiên hơn cả do sử dụng máu tự thân của chính bệnh nhân, được chiết tách trong môi trường vô trùng đạt chuẩn. Với 1 liệu trình tiêm giúp chấm dứt cơn đau thoái hóa, viêm gân, chấn thương thể thao … mà không cần phẫu thuật, không dùng thuốc. Thông thường 1 liệu trình sẽ tiêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sự hồi phục của mỗi người để thay đổi sao cho phù hợp.
7.4 Phẫu thuật
Trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng nề như biến dạng khớp, đau cứng khớp, thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch… mà các phương pháp điều trị thông thường khác không thể can thiệp được, bác sĩ sẽ tư vấn phẫu thuật. Một số cách phẫu thuật được sử dụng phổ biến hiện nay như: mổ nội soi khớp (cắt lọc, bào, rửa khớp), khoang kích thích tạo xương (microfracture), cấy ghép tế bào sụn, thay khớp.
Phẫu thuật khớp là phương pháp sau cùng được lựa chọn để điều trị thoái hoá khớp
8. Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng tránh khớp bị thoái hóa, mỗi người nên:
- Thường xuyên tập luyện thể thao với cường độ vừa phải để tăng cường sự dẻo dai và sức khỏe xương khớp. Những môn thể thao mà người bị thoái hóa sụn khớp có thể luyện tập như yoga, đi bộ, bơi lội…
- Đảm bảo tư thế đúng khi sinh hoạt, làm việc để tránh gây tổn thương cho hệ xương khớp.
- Hạn chế mang vác nặng hoặc làm các động tác quá sức.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý sẽ giúp hạn chế trọng lượng cơ thể áp lực lên hệ thống dây chằng và xương khớp.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp như thực phẩm giàu canxi, glucosamine, chondroitin, omega-3, vitamin D, vitamin B…
- Tránh chấn thương bằng cách khởi động kỹ lưỡng trước khi tham gia các hoạt động thể lực, mang giày vừa vặn, tập luyện trên bề mặt mềm. Nếu không may bị chấn thương, nên thăm khám sớm để điều trị kịp thời.
- Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế bia rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích. Ngoài ra, nên kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.
- Nên định kỳ tầm soát sức khỏe xương khớp để theo dõi và phát hiện các bất thường càng sớm càng tốt.
Thoái hóa khớp ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, tâm lý và chất lượng cuộc sống người bệnh. Chữa trị càng sớm, tỷ lệ hồi phục và ngăn chặn quá trình thoái hóa tiến triển càng cao. Vì vậy, đừng chủ quan; nếu cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, nghi ngờ khớp bị thoái hóa nên thăm khám ngay.