1. Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid, đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do giảm tương đối hoặc tuyệt đối tiết insulin, hiệu quả hoạt động insulin hoặc cả hai. Khi tăng đường huyết vượt quá ngưỡng thận sẽ xuất hiện đường niệu (glucose trong nước tiểu).
Đái tháo đường gắn liền với nguy cơ phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. Bệnh đái tháo đường có thể điều trị và kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và kiểm soát các bệnh đồng mắc để hạn chế biến chứng, đảm bảo sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Theo WHO, hiện nay có khoảng 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980. Chỉ tính riêng năm 2019, đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong. Sự gia tăng của đái tháo đường một phần là do sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất.
Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường rất phức tạp. Phần lớn mọi người có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng hợp lý và có lối sống lành mạnh.
2. Phân loại đái tháo đường
Theo cách phân loại đơn giản, đái tháo đường có 4 loại chính là: đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ và các thể đặc biệt.
2.1. Đái tháo đường type 1
Insulin là hormone do các tế bào beta của đảo tụy sản xuất, có nhiệm vụ điều chỉnh sự chuyển hóa carbohydrate, protein và lipid bằng cách thúc đẩy hấp thụ glucose từ máu vào tế bào. Đái tháo đường type 1 là hậu quả của quá trình phá hủy tự miễn các tế bào beta của đảo tụy, dẫn đến không có hoặc có rất ít insulin. Bệnh chiếm 10-20% các trường hợp đái tháo đường, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Đái tháo đường type 1 có xu hướng gây nhiễm toan ceton dẫn đến hôn mê và tử vong. Đây là loại đái tháo đường do cơ chế tự miễn (95%) hoặc vô căn (5%), hiện chưa có biện pháp để phòng ngừa.
2.2. Đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 đặc trưng bởi thiếu insulin tương đối cùng với kháng insulin. Bệnh gây ra khoảng 85% trường hợp đái tháo đường, thường gặp ở người lớn trên 30 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đái tháo đường type 2 nhưng không có nguyên nhân chuyên biệt nào. Bệnh thường xuất hiện cùng một số bệnh khác như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Nguy cơ bệnh gia tăng theo độ tuổi, béo phì và ít vận động. Đây là loại đái tháo đường có thể phòng ngừa được.
2.3. Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là loại đái tháo đường được chẩn đoán ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, mà không có bằng chứng cho thấy bị đái tháo đường trước đó.
Khoảng 1-2% phụ nữ mang thai giảm dung nạp glucose dẫn đến mức đái đường ở thời kỳ mang thai. Bệnh gây ra nguy cơ biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ và trẻ sinh ra có nhiều nguy cơ bị đái tháo đường trong tương lai.
Phụ nữ mang thai nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ
2.4. Các thể đặc biệt khác của đái tháo đường
Các thể đặc biệt khác của đái tháo đường là:
– Khiếm khuyết di truyền chức năng tế bào beta.
– Giảm hoạt tính của insulin do gene.
– Đái tháo đường thứ phát sau bệnh lý tuyến tụy ngoại tiết: viêm tụy, chấn thương tụy, ung thư tụy, cắt tụy, xơ sỏi tụy.
– Một số bệnh nội tiết: to đầu chi (acromegaly), hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, cường giáp, u tiết glucagon.
– Thuốc hoặc hóa chất: interferon alpha, corticoid, thiazide, hormon giáp, thuốc chống trầm cảm…
– Nhiễm khuẩn: virus sởi, quai bị, cytomegalovirus.
– Các hội chứng bất thường nhiễm sắc thể kết hợp với bệnh đái tháo đường: hội chứng Down, Klinefelter, Turner, Wolfram.
3. Triệu chứng bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường type 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.
- Đi tiểu thường xuyên
- Cảm thấy rất khát
- Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn
- Mệt mỏi nhiều
- Nhìn mờ
- Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:
- Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1)
- Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2)
4. Biến chứng bệnh đái tháo đường
Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới . Người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường . Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận .
Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.
4.1. Biến chứng đái tháo đường trên tim mạch
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ. Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
4.2. Biến chứng đái tháo đường trên thận
Biến chứng thận do bệnh đái tháo đường gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn những người không mắc đái tháo đường. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.
4.3. Biến chứng bệnh đái tháo đường lên hệ thần kinh
Biến chứng thần kinh do đái tháo đường gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác. Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa ran và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt cụt chi. Những người đái tháo đường có nguy cơ bị cắt cụt chi có thể cao gấp 25 lần so với người không có đái tháo đường. Tuy nhiên, với sự quản lý toàn diện, có thể ngăn ngừa một tỷ lệ lớn cách cắt cụt liên quan đến đái tháo đường. Ngay cả khi cắt cụt chi, chân còn lại và cuộc sống của người bệnh có thể được cứu chữa, cải thiện bằng cách chăm sóc theo dõi tốt bởi nhóm đa lĩnh vực. Những người đái tháo đường nên kiểm tra bàn chân thường xuyên.
4.4. Biến chứng bệnh đái tháo đường lên mắt
Hầu hết những người mắc đái tháo đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt, bệnh võng mạc làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp cao và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh võng mạc. Tình trạng này có thể được quản lý thông qua kiểm tra mắt thường xuyên và kiểm soát giữ mức glucose máu và lipid bình thường hoặc gần bình thường.
5. Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Phần lớn các trường hợp đái tháo đường là đái tháo đường loại 2, có thể phòng ngừa được bằng một lối sống sinh hoạt lành mạnh:
– Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập ít nhất 30 phút;
– Giảm lượng carbohydrate tinh chế, bao gồm đường và các loại thực phẩm ngọt;
– Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu;
– Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì;
– Không hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia;
– Kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, kiểm tra đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cách đơn giản nhất để tầm soát đái tháo đường. Ngay khi có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, bệnh nhân cần cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.