ĐAU THẮT LƯNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đau thắt lưng là tình trạng đau nhức vùng lưng dưới, có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tàn phế.

Cấu tạo lưng và cột sống

1. Đau thắt lưng là bệnh gì?

Phần lớn những cơn đau thắt lưng là hậu quả của một chấn thương như bong gân, căng cơ… Chấn thương thường do chuyển động đột ngột hoặc tư thế sai khi nâng vác vật nặng. Các cơn đau thắt lưng cấp có thể kéo dài khoảng vài ngày đến vài tuần. Trong khi, đau lưng mạn tính sẽ dài hơn 3 tháng.

Vùng cột sống thắt lưng gồm 5 đốt sống từ L1 – L5 cùng hệ thống cơ, gân, dây chằng bao quanh. Cột sống có nhiệm vụ nâng đỡ, tạo đường cong cho cơ thể, ngoài ra còn là mắt xích quan trọng trong hệ thống truyền tín hiệu của não đến chân, giúp chúng ta dễ dàng thực hiện những động tác di chuyển như bước lùi, bước tiến, bước sang phải, bước sang trái…

2. Triệu chứng đau vùng thắt lưng

Tùy thuộc vào yếu tố khởi phát, nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng đau dưới thắt lưng sẽ có sự khác biệt.

  • Phần lớn người bệnh bị đau lưng sau một chấn thương, té ngã, khi ngồi hay đứng lâu, khi nâng vác vật nặng.
  • Một số trường hợp cơn đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi.
  • Các cơn đau lưng dưới gần mông diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.
  • Đau lan xuống cẳng chân hoặc bàn chân, gây tê bì, châm chích.

Cảm giác đau thường tăng lên khi vận động nhiều, khi cúi, khi đứng, ngồi lâu. Ban ngày đau nhiều hơn đêm. Nếu tình trạng đau tăng khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động và đau nhiều về ban đêm khiến người bệnh thức giấc cần nghĩ đến các bệnh lý viêm khớp cột sống.

Nếu đau lưng dưới kèm yếu liệt hai chân, đi tiêu tiểu không kiểm soát, sốt cao lạnh run hoặc đau sau té ngã/chấn thương nhẹ, người bệnh cần nhanh chóng đi đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán một số tình trạng nguy hiểm và có hướng xử lý kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

3. Nguyên nhân gây đau mỏi thắt lưng

Có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng thắt lưng, trong đó yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Các cơ này duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống, đồng thời giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo vận động chung của cơ thể như đi lại, chạy nhảy, nâng đồ vật, tập thể dục, thể thao… Đau vùng thắt lưng do hoạt động hàng ngày quá sức; bê, nâng vật nặng; động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần; ngồi hoặc đứng quá lâu; vận động không đúng tư thế.

Đau vùng thắt lưng có thể do các bệnh khớp khối u cột sống; viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống; bệnh mạch máu như phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng; bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng… Tuy nhiên để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng thắt lưng còn là vấn đề phức tạp. Một số bệnh lý dẫn đến đau thắt lưng như sau.

3.1. Thoái hóa cột sống lưng

Ở người cao tuổi, hệ thống cơ xương khớp đặc biệt là vùng cột sống chịu lực nhiều như cột sống thắt lưng sẽ bị thoái hóa dần theo thời gian, đặc biệt là ở sụn khớp và đĩa đệm, gây ra những cơn đau thắt lưng âm ỉ và liên tục. Mỗi khi cúi xuống, xoay người hoặc nâng vác đồ nặng, cơn đau sẽ gia tăng.

3.2. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Cột sống gồm những đốt sống và đĩa đệm xen kẽ nhau. Vai trò của đĩa đệm là giảm áp lực lên cột sống, duy trì sự linh hoạt cho cột sống. Khi bị thoát vị đĩa đệm lưng, phần nhân nhầy của đĩa đệm bị thoát ra, chèn ép lên rễ dây thần kinh, gây đau. Tình trạng thoát vị nhiều có thể gây chèn ép tủy sống với các biểu hiện nghiêm trọng như rối loạn đi tiêu tiểu, yếu liệt chân, mất cảm giác…

3.3. Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, từ lưng dưới qua hông, mông và xuống dưới mỗi chân. Bệnh xảy ra thường do tình trạng thoát vị đĩa đệm tại cột sống thắt lưng. Ngoài cảm giác đau, người bệnh còn có cảm giảm tê bì và châm chích vùng mông đùi, căng chân.

3.4. Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là tình trạng không gian trong ống sống bị thu hẹp, tạo áp lực lên các rễ thần kinh, tủy sống đi qua. Nhiều vị trí ống sống có thể bị hẹp, thường gặp ở vùng thắt lưng và cổ. Khi đó, tủy sống và/hoặc rễ thần kinh sẽ bị chèn ép, gây đau vùng thắt lưng và đau thần kinh tọa.

3.5. Gãy đốt sống do loãng xương

Tuổi càng cao càng làm tăng nguy cơ loãng xương với đặc điểm là xương giòn và dễ gãy. Khi người bệnh có loãng xương, chỉ cần một chấn thương nhẹ như té ngồi, trượt chân… cũng có thể gây ra tình trạng gãy xương, đặc biệt là gãy xương đốt sống thắt lưng cao. Người bệnh sẽ có cảm giác đột ngột đau nhức thắt lưng, mức độ nhiều gây giới hạn vận động, đau tăng khi cử động và giảm khi nghỉ ngơi.

3.6. Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp đặc trưng bởi tổn thương ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp ở chi, thậm chí là cả điểm bám gân. Triệu chứng sớm và thường gặp nhất là đau vùng thắt lưng. Người bệnh thường đau nhiều vào ban đêm gần sáng, có thể bị cứng cột sống vào buổi sáng, đau và cũng vùng cột sống sẽ giảm dần khi cử động.

 

3.7. Đau xơ cơ

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng đặc trưng bởi sự tác động từ não bộ đến việc xử lý tín hiệu đau. Bệnh đặc trưng bởi các cơn đau cơ xương lan tỏa. Người bệnh thường bị đau hai bên cơ thể, trên và dưới thắt lưng. Ngoài ra người bệnh có thể kèm theo mất ngủ và lo lắng nhiều.

3.8. Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường sang một bên. Tình trạng bất thường này có thể gây đau, làm người bệnh có tư thế sai lệch trong sinh hoạt, từ  đó tạo lực lên cơ bắp, gân, dây chằng, đốt sống và gây đau.

3.9. Bệnh không liên quan đến xương khớp

  • Các bệnh lý ở thận: Đau lưng dưới có thể là dấu hiệu của một số bất thường ở thận. Sỏi thận, sỏi niệu quản có khả năng gây đau vùng lưng dưới, vùng hông lưng quặn từng cơn kèm những triệu chứng đường tiểu như tiểu đau, tiểu máu, tiểu lắt nhắt…
  • Viêm ruột thừa: Nếu đau thắt lưng kèm đau bụng dưới dữ dội, xảy ra đột ngột kèm sốt, buồn nôn, người bệnh có thể đã bị viêm ruột thừa.
  • Viêm tụy: Người bệnh viêm tụy thường bị đau vùng thượng vị kèm nôn nhiều. Cơn đau có thể lan ra vùng sau lưng và gây đau lưng.
  • Bệnh lý phụ khoa: Các bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo… có thể gây đau vùng thắt lưng kèm theo tình trạng kinh nguyệt không đều, chảy máu âm đạo.

3.10. Yếu tố nguy cơ

  • Tuổi tác: Người trên 30 tuổi thường bị đau lưng nhiều hơn. Khi các đĩa đệm bị suy yếu và mòn theo tuổi tác có thể gây đau và cứng lưng.
  • Cân nặng: Người thừa cân, béo phì thường dễ bị đau lưng hơn. Trọng lượng dư thừa có thể gây áp lực lớn lên các khớp và đĩa đệm.
  • Sức khỏe tổng thể: Cơ bụng suy yếu không thể hỗ trợ tốt cho cột sống, có thể dẫn tới tình trạng căng cơ lưng, bong gân. Người hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lối sống lười vận động có nguy cơ cao bị đau lưng.
  • Nghề nghiệp: Những công việc yêu cầu phải nâng vác vật nặng nhiều có thể làm tăng nguy cơ chấn thương lưng.
  • Bệnh lý: Người có tiền sử gia đình bị viêm khớp và một số loại ung thư có nguy cơ bị đau lưng dưới.
  • Sức khỏe tinh thần: Đau lưng có thể do trầm cảm và căng thẳng kéo dài.

4. Biến chứng có thể gặp phải

Thực tế, nhiều người bệnh thường chủ quan bệnh sẽ tự khỏi nên không điều trị ngay. Trường hợp đau lưng cấp tính nếu không điều trị dứt điểm có thể chuyển sang mạn tính. Cơn đau liên tục kéo dài với mức độ tăng dần khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ở mức độ nhẹ, bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt thông thường như ngồi xuống, đứng lên… Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng hơn do thoát vị đĩa đệm có thể gây đau thần kinh tọa. Lâu dần, người bệnh sẽ bị teo cơ đùi, cẳng chân, hạn chế tầm vận động, thậm chí là bại liệt.

5. Phương pháp chẩn đoán đau nhức vùng thắt lưng

Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin về tiền sử bệnh, những triệu chứng hiện tại, mức độ và tần suất cơn đau diễn ra. Với các trường hợp đặc biệt như đau lưng do chấn thương, đau trong thời gian dài…, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phương pháp như:

  • Chụp X-quang: Kết quả cho thấy sự liên kết của xương, giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường như viêm, gãy xương.
  • Chụp MRI, CT: Những phương pháp này cho phép bác sĩ phát hiện các bất thường ở mô, cơ, dây thần kinh, dây chằng, mạch máu, xương…
  • Điện cơ: Phương pháp này giúp đo xung điện do các dây thần kinh tạo ra, qua đó phát hiện tình trạng chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống…

6. Phương pháp điều trị đau thắt lưng

6. 1. Chăm sóc tại nhà

  • Dừng ngay những hoạt động thể chất, chườm đá vào vùng thắt lưng. Lưu ý chườm đá càng sớm càng tốt, trong 48 – 71 giờ đầu tiên, sau đó chuyển sang chườm nóng.
  • Nằm nghiêng và co đầu gối lên, kẹp một chiếc gối giữa hai chân. Nếu có thể nằm ngửa thoải mái, người bệnh có thể đặt gối hay cuộn khăn dưới đùi để giảm áp lực lên lưng.
  • Chườm nóng hay tắm nước ấm và massage thường xuyên để thư giãn cơ lưng bị căng cứng.
  • Thực hiện những bài tập hỗ trợ điều trị đau lưng theo hướng dẫn từ bác sĩ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, ngăn ngừa cơn đau tái phát hiệu quả.

6.2. Dùng thuốc

  • Dựa theo triệu chứng của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp. Thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm để giảm đau hay tiêm corticosteroid thường được chỉ định trong điều trị đau vùng lưng dưới.
  • Dùng thuốc chỉ có thể giảm đau tạm thời, vẫn có nguy cơ tái phát. Ngoài ra, việc tự ý uống thuốc giảm đau có thể khiến người bệnh đối mặt nhiều rủi ro sức khỏe từ tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.

6.3. Vật lý trị liệu

Để cải thiện tình trạng đau nhức, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện những biện pháp như siêu âm trị liệu, chiếu laser, kích thích điện… Khi cơn đau đã thuyên giảm, các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện những bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và cơ bụng. Khi về nhà, người bệnh được khuyến khích duy trì thực hiện các bài tập này để ngăn ngừa cơn đau tái phát.

6.4. Phẫu thuật

Với các trường hợp chấn thương gãy xẹp đốt sống L1 – L5 hay thoát vị đĩa đệm nặng mà những phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật vùng thắt lưng.

Phẫu thuật cột sống rất phức tạp. Vì thế, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh cột sống với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro và rút ngắn thời gian phục hồi.

Bài viết liên quan