TĂNG HUYẾT ÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

1. Tăng huyết áp là bệnh gì?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu nãosuy tim, bệnh tim mạch vànhnhồi máu cơ tim,…

Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
  • Tăng huyết áp thứ phát(Tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết;
  • Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
  • Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.

Khi mắc bệnh cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian.

Theo dõi chỉ số huyết áp để phát hiện và kiểm soát bệnh cao huyết áp

2. Huyết áp cao là bao nhiêu?

Như đề cập ở trên, huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương):

  • Huyết áp tâm thu (ứng với giai đoạn tim co bóp tống máu đi): Có giá trị cao hơn do dòng máu trong động mạch lúc này đang được tim đẩy đi.
  • Huyết áp tâm trương (ứng với giai đoạn giãn nghỉ giữa hai lần đập liên tiếp của tim): Có giá trị thấp hơn do mạch máu lúc này không phải chịu áp lực tống máu từ tim.

Để trả lời cho vấn đề “Huyết áp cao là bao nhiêu”, hàng loạt các hướng dẫn điều trị của những quốc gia, hiệp hội và nhiều nhà khoa học hàng đầu về tim mạch trên thế giới đã được đưa ra. Việc chẩn đoán và chiến lược điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại nước ta hiện nay thường tuân theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC). Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg;
  • Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên;
  • Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên;
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
  • Tiền tăng huyết áp khi:

Huyết áp tâm thu > 120 – 139mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89mmHg. Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.

3. Nguyên nhân của gây tăng huyết áp là gì?

Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát); khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.

Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn)

Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân.

Bệnh có tính gia đình, nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt khi lớn tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường. Ngoài ra còn có các yếu tố khác dễ đưa đến mắc bệnh cao huyết áp như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Tăng huyết áp thứ phát

Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng này chiếm khoảng 10% ca bệnh nhưng nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân thường gặp là:

  • Bệnh thận là nguyên nhân thường gặp nhất trong tăng huyết áp thứ phát (Ví dụ: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, hẹp động mạch thận…)
  • Bệnh lý tuyến thượng thận, là một tuyến nội tiết nằm ngay phía trên thận mỗi bên, tiết ra các hormone điều hòa muối – nước và huyết áp của cơ thể. Nếu u của tuyến này tiết bất thường các hormone sẽ làm huyết áp tăng. Điều trị cắt bỏ khối u có thể chữa khỏi bệnh huyết áp cao, không cần uống thuốc lâu dài hoặc lượng thuốc uống ít lại.
  • Một số bệnh lý nội tiết khác cũng khiến huyết áp tăng như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
  • Một số loại thuốc khi uống như corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng,..), thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai,…
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Tăng huyết áp ở trẻ em hoặc người trẻ cần phải loại trừ bệnh tim bẩm sinh do hẹp eo động mạch chủ. Khi đó huyết áp ở hai tay rất cao, trong khi huyết áp ở chân thì thấp hoặc không đo được. Điều trị bệnh này bằng phẫu thuật hoặc nong đặt stent trong lòng động mạch chủ đoạn bị hẹp.

4. Triệu chứng của tăng huyết áp

Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là:

– Đau nhức đầu vào sáng sớ

– Chảy máu cam

– Nhịp tim nhanh

– Thay đổi thị lực

– Ù tai

Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng:

– Mệt mỏi

– Buồn nôn, nôn mửa

– Lú lẫn

– Hồi hộp

– Đau tức ngực

– Run

Thế nhưng, gần 50% người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh vì chưa bao giờ được chẩn đoán. Tăng huyết áp sở dĩ được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không gây ra triệu chứng, cho đến khi xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mới được phát hiện.

Do đó, tất cả mọi người nên tự kiểm tra huyết áp và khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người lớn tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.

Triệu chứng bệnh cao huyết áp thường không rõ ràng, chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đến khám định kỳ hoặc khám một bệnh khác.

5. Biến chứng của tăng huyết áp

Tăng huyết áp ảnh hưởng trực tiếp lên mạch máu và tim, làm hỏng thành mạch máu, gây tổn thương tim. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng sau:

– Bệnh mạch máu ngoại vi.

– Cơn đau thắt ngực.

– Nhồi máu cơ tim – tình trạng nguồn cung cấp máu đến tim bị tắc nghẽn, làm chết tế bào tim. Nhồi máu cơ tim là trường hợp cần cấp cứu, thời gian càng lâu tổn thương tim càng lớn.

– Đột quỵ xuất huyết não – khi mạch máu não bị vỡ do áp lực tăng cao. Hoặc đột quỵ nhồi máu não – khi động mạch cung cấp máu đến não bị tắc nghẽn, dẫn đến tế bào não chết đi nhanh chóng. Đột quỵ là tình trạng có thể gây tử vong nhanh chóng, cần được cấp cứu kịp thời, đặc biệt là trong 3,5 giờ đầu để hạn chế tối đa biến chứng về thần kinh và vận động.

– Suy tim.

– Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.

– Tử vong.

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.

6. Phương pháp điều trị tăng huyết áp

Điều trị bệnh tăng huyết áp cần phối hợp giữa điều chỉnh lối sống với thuốc hạ huyết áp, giúp người bệnh dễ dàng kiểm soát huyết áp. Mức huyết áp mục tiêu cần đạt được là  130/80 mmHg hoặc thấp hơn tùy theo bệnh lý đi kèm hoặc đặc điểm riêng của từng người.

  • Điều trị không dùng thuốc: điều chỉnh lối sống, tập thể dục, giảm cân, thay đổi chế độ ăn (giảm muối, giảm mỡ béo), bỏ các thuốc gây cao huyết áp (thuốc kháng viêm, giảm đau nhức), thư giãn, giảm căng thẳng. Thuốc hạ huyết áp: 5 nhóm thuốc cơ bản (ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin 2, ức chế calci, lợi tiểu, chẹn bêta). Chọn lựa và phối hợp thuốc tùy theo đặc điểm của từng bệnh nhân.
  • Phẫu thuật hoặc thủ thuật hủy thần kinh giao cảm động mạch thận, đặt stent động mạch thận trong một số trường hợp đặt biệt.
  • Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh

Trong quá trình điều trị, điều người bệnh cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nếu nghi ngờ tác dụng phụ do thuốc gây ra, đừng bỏ thuốc ngay mà hãy trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu lý do và điều chỉnh thuốc thích hợp. Việc tuân thủ điều trị giúp người bệnh phòng tránh được các biến chứng lâu dài của bệnh.

Để điều trị huyết áp hiệu quả, người bệnh cần trang bị máy đo huyết áp cá nhân để tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Việc này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc huyết áp được tối ưu hơn. Nếu lo ngại về chỉ số huyết áp của mình, hãy trao đổi ngay với bác sĩ.

7. Cách phòng ngừa tăng huyết áp

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa tăng huyết áp

Phòng ngừa tăng huyết áp là cách để phòng ngừa bệnh tim mạch, đột tử và nhiều hệ lụy khác. Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, bạn có thể phòng ngừa tăng huyết áp bằng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh:

– Giảm ăn mặn, chỉ tiêu thụ một lượng muối ít hơn 5g/ngày (tương đương 1 muỗng cà phê). Lưu ý hàm lượng muối trong bột nêm, bột canh, nước mắm, các gia vị khác, cũng như các món ăn vặt, snack…

– Ăn nhiều rau củ quả, trái cây tươi; không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.

– Tăng cường hoạt động thể chất.

– Không hút thuốc lá

– Uống rượu bia điều độ.

– Duy trì cân nặng hợp lý với chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2.

– Tích cực giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

– Hạn chế căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý.

Không có triệu chứng không có nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn bình thường. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra chỉ số huyết áp, cũng như một số bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nếu được chẩn đoán bị tăng huyết áp, bạn cần theo sát điều trị của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.

Bài viết liên quan