1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.
2. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), nó có thể đưa virus gây bệnh vào máu của người bệnh bằng cách đốt (chích)..
Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời bởi chủng virus khác.
Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và truyền bệnh. Virus Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi Aedes khoảng 8-11 ngày. Sau đó, nếu bạn bị muỗi Aedes chích thì virus sẽ được lây truyền.
3. Triệu chứng sốt xuất huyết
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Tùy theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết cụ thể như sau:
3.1. Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ
Cấp độ sốt xuất huyết nhẹ thường xuất hiện ở người có lần đầu tiên mắc bệnh vì chưa có miễn dịch với virus Dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:
- Sốt cao, lên đến 40,5 độ C;
- Đau đầu nghiêm trọng;
- Đau phía sau mắt;
- Đau khớp và cơ;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
3.2. Biểu hiện sốt xuất huyết nặng
Ở mức độ này, các dấu hiệu sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.
3.3. Hội chứng sốc sốt xuất huyết
Sốc sốt xuất huyết Dengue là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Thể bệnh này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi trẻ em và người lớn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2-5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
“Những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh Covid-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng” BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cảnh báo.
4. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn khôi phục.
4.1. Giai đoạn sốt
Sau khi bị nhiễm vi rút Dengue từ muỗi, người bệnh sẽ ủ bệnh từ 4 – 7 ngày, có khi tới 14 ngày, sau đó mới xuất hiện các biểu hiện sốt. Đây là giai đoạn sốt, bệnh nhân có thể sốt cao liên tục hoặc sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng đi kèm như: Mệt mỏi rũ rượi, đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…
Đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến là sốt kèm theo đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 thường xuất hiện xuất huyết nhẹ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt, bé có thể sẽ xuất hiện các nốt ban ở mình, sau đó lan đến mặt, các chi, lòng bàn tay và bàn chân gây ngứa.
4.2. Giai đoạn nguy hiểm
Ở giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3 – 7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, lúc đó sẽ xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:
- Các triệu chứng của thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch.
- Người bệnh có thể bị tràn dịch phổi và có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.
- Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.
- Đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.
- Xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết, thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng.
- Tình trạng nguy hiểm hơn khi xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…
- Các biến chứng nặng mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt ở giai đoạn nguy hiểm như: Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận.
Những biến chứng nặng có thể xảy ra ở một số người bệnh không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
5. Cách chẩn đoán sốt xuất huyết
Khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue sẽ ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, có khi đến 14 ngày, trong thời gian này người bệnh vẫn khỏe mạnh và không có triệu chứng gì. Cách nhận biết sốt xuất huyết phải chờ tới giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn sốt) người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt xuất huyết điển hình như: Sốt cao, xuất hiện xuất huyết dưới da (nổi các ban đỏ hoặc các vết xuất huyết lớn dưới da), chảy máu chân răng, chảy máu cam, nhức hai hốc mắt, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn,…
Đối với xét nghiệm sẽ được làm từ 2 ngày sốt trở đi và có kết quả bao gồm: Dung tích hồng cầu bình thường hoặc tăng, số tiểu cầu ở mức bình thường hoặc giảm nhẹ, số lượng bạch cầu giảm. Khi vừa mới bị sốt và có các dấu hiệu của sốt xuất huyết bạn cần đến bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời tránh để bệnh tiến triển nặng.
6. Cách phòng ngừa
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể.
Biện pháp phòng và diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi:
- Thay nước thường xuyên cho các lọ hoa, chậu cây cảnh có nước,…
- Thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
- Che đậy lu nước, xô nước,…
- Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
- Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
- Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
- Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
- Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.
Thay đổi thói quen sinh hoạt:
- Ngủ màn kể cả ban ngày.
- Mặc quần áo dài tay, dài chân và nhạt màu khi ra ngoài.
- Thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
- Mùa mưa, nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, đặc biệt không đến những nơi um tùm, ẩm thấp, nhiều cây cối,…
- Ba mẹ khi cho bé ra ngoài vui chơi cần theo dõi, giám sát bé thường xuyên, không để bị muỗi đốt.
- Đóng kín các cửa trong nhà.
- Người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn thường xuyên để phòng tránh muỗi đốt và lây truyền cho những thành viên khác trong nhà.
Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, tổn hao đáng kể chi phí y tế, thậm chí cướp đi tính mạng người bệnh. Mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.