DẤU HIỆU CỦA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

1. Tăng huyết áp là bệnh gì?

Tăng huyết áp, hay nhiều người gọi là cao huyết áp, là một bệnh lý phổ biến khi mà áp lực máu tác động lên thành mạch quá cao. Nếu mức huyết áp này tăng cao trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, thậm chí là biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

 

Cao huyết áp có nhiều loại, bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn hay còn gọi là cao huyết áp tự phát (thường gặp nhất)
  • Tăng huyết áp thứ phát
  • Cao tăng huyết áp tâm thu
  • Cao huyết áp thai kỳ (ở phụ nữ mang thai)

2. Huyết áp cao là bao nhiêu?

Như đề cập ở trên, huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số (Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương):

  • Huyết áp tâm thu (ứng với giai đoạn tim co bóp tống máu đi): Có giá trị cao hơn do dòng máu trong động mạch lúc này đang được tim đẩy đi.
  • Huyết áp tâm trương (ứng với giai đoạn giãn nghỉ giữa hai lần đập liên tiếp của tim): Có giá trị thấp hơn do mạch máu lúc này không phải chịu áp lực tống máu từ tim.

Để trả lời cho vấn đề “Huyết áp cao là bao nhiêu”, hàng loạt các hướng dẫn điều trị của những quốc gia, hiệp hội và nhiều nhà khoa học hàng đầu về tim mạch trên thế giới đã được đưa ra. Việc chẩn đoán và chiến lược điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại nước ta hiện nay thường tuân theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC). Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg;
  • Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên;
  • Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên;
  • Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên;
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
  • Tiền tăng huyết áp khi:

Huyết áp tâm thu > 120 – 139mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89mmHg.Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.

3. Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành đều không rõ nguyên nhân (THA nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân (THA thứ phát). Nguyên nhân của THA có thể được phát hiện thông qua khai thác tiền sử, khám lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng thường quy. Một số trường hợp THA cần lưu ý tìm kiếm nguyên nhân bao gồm: THA ở tuổi trẻ (<30 tuổi), THA kháng trị, THA tiến triển hoặc ác tính.

Các nguyên nhân thường gặp ở tăng huyết áp thứ phát bao gồm:

  • Bệnh thận cấp hoặc mạn tính: Viêm cầu thận cấp/mạn, viêm thận kẽ, sỏi thận, thận đa nang, thận ứ nước, suy thận
  • Hẹp động mạch thận
  • U tuỷ thượng thận
  • Cường Aldosteron tiên phát (Hội chứng Conn)
  • Hội chứng Cushing
  • Bệnh lý tuyến giáp/cận giáp, tuyến yên
  • Do thuốc, liên quan đến thuốc (kháng viêm Non-steroid, thuốc tránh thai, corticoid, …)
  • Nhiễm độc thai nghén
  • Yếu tố tâm thần

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch

4. Bảy dấu hiệu cảnh báo tình trạng tăng huyết áp

Cao huyết áp là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong cho người bệnh, tuy nhiên tăng huyết áp lại gần như không có dấu hiệu nhận biết. Chính vì vậy mà THA còn được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Cách duy nhất để nhận biết bạn có bị tăng huyết áp hay không đó là thông qua việc kiểm tra huyết áp thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có người thân cũng mắc tăng huyết áp.

Nếu huyết áp của bạn tăng cao, sẽ có một số dấu hiệu tăng huyết áp mà bạn cần chú ý:

  • Nhức đầu
  • Chảy máu mũi
  • Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
  • Tê hoặc ngứa ran các chi
  • Buồn nôn và nôn
  • Choáng và chóng mặt
  • Đau tim
  • Ngoài ra huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào

.

Nhức đầu, choáng và chóng mặt là dấu hiệu của tăng huyết áp

5. Điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính nên cần theo dõi thường xuyên, điều trị đúng và đủ hàng ngày, theo dõi lâu dài. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo phác đồ bác sĩ thì thay đổi lối sống cũng là biện pháp điều trị được áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển bệnh, phòng biến chứng; Quá trình theo dõi có thể giảm dần số thuốc cần dùng khi huyết áp kiểm soát tốt.

Các biện pháp thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng, giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol và acid béo no
  • Tích cực kiểm soát cân nếu quá cân, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể BMI từ 18,5 đến 22,9 kg/m2. Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào
  • Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày
  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý
  • Tránh bị lạnh đột ngột.
  • Điều trị các bệnh là nguyên nhân gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp diễn biến thầm lặng, ít có triệu chứng nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy nhận biết sớm những dấu hiệu của tăng huyết áp giúp việc điều trị bệnh đơn giản hơn.

Bài viết liên quan