1. Viêm xoang là gì?
Giải phẫu xoang: Ở xương sọ mặt có nhiều xương ghép với nhau, các xương phần lớn là các xương rỗng. Xoang là những hốc nằm trong xương sọ và được mang tên cùng với tên của xương đó, trong lòng các xoang được lót bởi niêm mạc xoang, niêm mạc xoang có cấu tạo giống với niêm mạc hô hấp, các chất xuất tiết từ niêm mạc của xoang đều đổ vào hốc mũi qua các lỗ nhỏ (gọi là các lỗ thông mũi xoang).
Cấu tạo xoang được chia thành hai nhóm bao gồm:
- Nhóm xoang trước: Bao gồm xoang hàm, xoang sàng trước, xoang trán các xoang này vây quanh hốc mắt. Nhóm xoang này tiết dịch và đều đổ ra khe mũi trước, nên thường có dấu hiệu nghẹt mũi, chảy mũi. Các xoang này dễ bị nhiễm khuẩn và dễ gây ra biến chứng mắt.
- Nhóm xoang sau: Gồm xoang sàng sau và xoang bướm. Các xoang ở sâu dưới nền sọ, liên quan tới phần sau của ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch, tuyến yên. Vùng này kín hơn, ít bị xâm nhập bởi những nguyên nhân bên ngoài. Khi bị viêm nhóm xoang sàng sau gây tiết dịch ở khe mũi sau ra vùng họng.
Chức năng của xoang:
- Làm giảm trọng lượng của đầu
- Phát âm thanh: Âm thanh phát ra cộng hưởng với các xoang ở mặt và có âm sắc đặc biệt tạo ra giọng nói cũng đặc trưng cho từng người.
- Lưu thông không khí
Viêm xoang hay viêm mũi xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm do nhiều nguyên nhân gây ra, tình trạng này gây tắc các lỗ thông xoang, ứ dịch tại xoang.
Các nguyên nhân gây ra viêm xoang rất nhiều, bao gồm:
- Viêm xoang do nhiễm vi khuẩn: Thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên, các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn răng gây ra.
- Do nhiễm virus: Các loại virus có thể gây ra viêm xoang gồm có virus cúm, adenovirus…
- Viêm xoang do nấm: Nấm cũng là tác nhân hay gây ra viêm xoang, đặc điểm viêm xoang do nấm hay gặp ở một bên.
- Viêm xoang do dị ứng: Do cơ thể tiếp xúc với những dị nguyên gây ra tình trạng viêm xoang. Các dị nguyên như phấn hoa, bụi nha, lông động vật…
- Do bất thường cấu trúc giải phẫu: Vẹo vách ngăn mũi, polyp mũi, khối u hốc mũi…
- Do yếu tố nội tiết: Hay gặp ở phụ nữ có thai, người bệnh bị suy giáp.
2. Viêm xoang có mấy loại?
2.1 Phân loại dựa trên mức độ bệnh
Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính xảy ra do nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng giống như cảm lạnh (đau đầu, chảy nước mũi/ nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má…). Viêm xoang cấp có hai loại: viêm mũi xoang do vi khuẩn và và viêm mũi xoang do virus cấp tính. Phổ biến hơn là viêm mũi họng do virus. Bệnh thường hết trong vòng 1 – 4 tuần.
Viêm xoang bán cấp
Nếu các triệu chứng trên kéo dài 4 – 12 tuần, bạn có thể đã bước sang giai đoạn viêm xoang bán cấp. So với viêm xoang cấp tính, các triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn nhưng được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.
Viêm xoang mạn tính
Tình trạng viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần, đồng nghĩa với việc người bệnh đã chuyển sang viêm xoang mãn tính (viêm xoang mạn). Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, nhưng chủ yếu đến từ polyp mũi (các khối u có cuống mềm hình thành ở niêm mạc) và vách ngăn mũi bị lệch.
Tình trạng dị ứng với một số loại nấm, hoặc nhiễm nấm xoang cũng được xem là nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính. Viêm xoang mạn được chia thành 3 loại: viêm mũi họng mãn tính không có polyp, viêm mũi họng mãn tính có polyp và viêm mũi dị ứng do nấm. Thường gặp nhất là viêm mũi họng mãn tính không có polyp. Các triệu chứng cũng tương tự như viêm xoang cấp tính.
Viêm xoang tái phát
Là tình trạng người bệnh trải qua các đợt viêm xoang cấp tính lại nhiều lần trong vòng một năm. Bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn.
Viêm xoang là tình trạng các xoang chứa dịch hay mủ và cần được sớm điều trị
2.2 Phân loại dựa trên vị trí viêm
Viêm xoang sàng
Xoang sàng là nhiều hốc nhỏ, nằm giữa hốc mũi và hốc mắt. Xoang sàng là xoang nhỏ nhất trong các xoang. Do cấu tạo phức tạp, nên dễ bị viêm. Bệnh viêm xoang sàng thường được chia làm các dạng chính bao gồm:
- Viêm xoang sàng trước: Ở trường hợp này, thấy chảy dịch nhày ra khe trước và giữa của mũi, dịch nhầy sẽ bị ứ đọng ở mũi, gây tắc nghẽn và đau nhức gốc mũi.
- Viêm xoang sàng sau: Lúc này, dịch nhầy sẽ qua khe mũi sau xuống phía vòm họng, gây cảm giác khó chịu, người bệnh sẽ có cảm giác vướng họng và phản xạ khạc nhổ đờm liên tục. Nếu bệnh diễn biến nặng có thể gây ra các triệu chứng nặng nề như đau nhức ở đỉnh đầu, có thể gây ảnh hưởng đến thị giác.
- Viêm cả 2 xoang sàng: Là cả xoang sàng trước và sau bị viêm gây tắc nghẽn lưu thông dịch. Người bệnh thường xuyên bị ngạt mũi, chảy nước mũi, có đờm ứ đọng ở cổ và luôn muốn khạc đờm.
- Viêm xoang sàng ở trẻ em: Bệnh viêm xoang sàng ở nhóm đối tượng trẻ em thường cần phải theo dõi. Vì có thể gây ra nhiều biến chứng nhưviêm đường hô hấp, có khi diễn biến cấp tính ảnh hưởng tới khả năng nhìn, biến chứng nội sọ. Cần điều trị cấp cứu.
Viêm xoang trán
Xoang trán là là xoang nằm trong xương trán, nằm ở vị trí cao nhất ở trong các xoang mặt, tương ứng với đầu lông mày. Viêm xoang trán hay gặp nhất và nó thường đi kèm với viêm xoang sàng trước. Một số triệu chứng đặc trưng của viêm xoang trán:
- Đau, nhức thường xuất hiện ở phía trên ổ mắt, vùng chân mày
- Tình trạng đau nhức có xu hướng tăng dần từ sáng cho đến giữa trưa
- Chảy dịch mủ nhiều, sau khi chảy dịch thì cơn đau dịu dần xuống nhưng thường đến chiều lại bắt đầu tái diễn
- Đưa mắt qua lại đôi khi cũng gây đau, dùng tay ấn vào vùng trên hố mắt sẽ thấy đau nhói
Vị trí viêm xoang trán tại vùng cao nhất trong các xoang ở mặt
- Bệnh nhân thường xuyên bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, có thể bị đau đầu kéo dài
Viêm xoang trán có thể gây ra những biến chứng như viêm tai giữa cấp hay viêm tai giữa mạn thủng màng nhĩ; do xoang trán nằm gần nào nên có nguy cơ gây viêm màng não mủ có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp sớm
- Viêm xoang bướm
Xoang bướm nằm ở dưới sàng sọ, đây là xoang nằm sâu nhất trong khoang mũi, liên quan với thần kinh thị giác và động mạch cảnh trong.
Một số triệu chứng nhận thấy viêm xoang bướm:
- Nghẹt mũi, chảy dịch mũi có thể trong suốt, vàng hoặc xanh nhạt
- Đau ở giữa hai hốc mắt, trên đỉnh đầu và lan ra phía sau gáy
- Độ nhạy của mũi kém đi do dây thần kinh khứu giác bị ảnh hưởng
- Có thể ảnh hưởng tới thị lực, gây mờ mắt, giảm thị lực
- Chảy dịch ra phía sau họng nhiều hơn so với các dạng viêm xoang khác, còn gây hiện tượng hôi miệng.
- Các triệu chứng khác có thể thấy như sốt, viêm tai giữa, viêm họng…
Viêm xoang bướm các triệu chứng thường không rõ, khó khăn trong chẩn đoán bệnh.
Viêm xoang hàm
Vị trí của xoang hàm là nằm ngay hai bên má và hướng về phía cánh mũi. Đây là xoang lớn nhất trong các xoang mặt. Biểu hiện khi bị viêm xoang hàm bao gồm:
Viêm xoang hàm là tình trạng viêm ổ xoang lớn nhất trong các xoang tại vùng mặt
- Người bệnh thường có các vấn đề về răng miệng, thường dẫn tới viêm xoang hàm.
- Thấy có dịch chảy ra từ khe mũi, gây ngạt mũi, chảy nước mũi. Dịch có thể có mùi khó chịu.
- Đau nhức ở hai bên má, ấn vào vị trí rãnh mũi má thấy đau nhiều.
- Khi bị viêm xoang hàm có thể dẫn tới một số biến chứng như áp-xe ổ mắt, lây sang các xoang khác.
Viêm đa xoang
Viêm đa xoang là thuật ngữ để mô tả tình trạng viêm nhiều xoang cùng một lúc. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này có thể là do nhiễm khuẩn từ một xoang lan sang các xoang khác, do dị ứng, yếu tố môi trường, cấu trúc giải phẫu bất thường, cơ thể suy giảm đề kháng.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm đa xoang bao gồm:
- Chảy dịch mũi kéo dài lượng nhiều, màu sắc có thể xanh hay vàng, trong nhiều trường hợp còn có lẫn máu hoặc mủ.
- Đau nặng đầu thường xuyên, đau nhức vùng thái dương, trán, xung quanh mắt, đỉnh đầu và lan ra vùng sau gáy.
- Có thể kèm theo giảm thị lực và giảm khả năng ngửi.
- Mệt mỏi ăn không ngon.
- Sốt nhẹ.
- Có dịch chảy ra họng, nên luôn có cảm giác vướng và, khó chịu ở cổ họng, muốn khạc đờm.
Trên đây là một số đặc điểm về xoang và các loại viêm xoang thường gặp. Viêm xoang hay gặp, nên cần chú ý để điều trị sớm, tránh tiến triển thành mạn tính, gây khó khăn trong điều trị.
3. Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm xoang cấp và mãn tính tính tương tự nhau, vì thế rất dễ gây nhầm lẫn. Các biểu hiện bao gồm:
- Đau ở xoang
Đau là triệu chứng đặc thù của viêm xoang. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt. Đôi lúc, những cơn đau đầu sẽ xuất hiện nhưng chỉ thoáng qua.
- Chảy nước mũi
Tình trạng nhiễm trùng xoang sẽ gây ra rất nhiều dịch tiết. Chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chất dịch không chảy vào mũi mà xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng. Hệ quả là những cơn ho kéo đến vào ban đêm khi bạn nằm ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy. Giọng nói cũng trở nên khàn hơn.
- Nghẹt mũi
Nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường mũi thở dẫn đến nghẹt mũi. Vì thế, khứu giác sẽ kém nhạy cảm hơn so với người bình thường.
- Đau đầu
Liên tục phải chịu áp lực cùng với tình trạng sưng trong xoang là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu. Tình trạng đau nặng nề hơn vào buổi sáng do chất lỏng đã có cả một đêm để tích tụ. Cơn đau đầu cũng trở nên nghiêm trọng hơn khi ở trong môi trường có áp suất khí quyển thay đổi đột ngột (đi máy bay).
- Họng bị kích ứng và gây ho
Dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng là lý do gây ra những cơn ho dai dẳng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Không chỉ gây ho, khi cổ họng bị kích ứng cũng khiến người bệnh khó ngủ. Khi ấy, nằm ngủ ở tư thế ngửa hoặc kê cao gối sẽ giúp giảm tần suất và mức độ ho.
Ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân bị viêm xoang còn gặp phải các triệu chứng như:
- Sốt
- Đau tai
- Đau răng
- Sưng vùng mặt
- Hôi miệng
- Mệt mỏi
4. Cách phòng ngừa
Một lối sống lành mạnh, hạn chế khả năng tiếp xúc với vi trùng và chất gây dị ứng có thể giúp làm giảm nguy cơ bị viêm mũi xoang. Để phòng ngừa viêm mũi xoang, bạn nên:
– Tiêm vắc xin cúm hàng năm;
– Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm;
– Khi bị cảm cúm cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và điều trị hợp lý;
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi đi ra ngoài chơi;
– Hạn chế tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất, phấn hoa và các chất gây dị ứng hoặc kích ứng mũi và xoang;
– Nếu bị trào ngược dạ dày – thực quản thì cần quan tâm điều trị;
– Nếu viêm mũi xoang gây ra bởi dị ứng thì kiểm soát dị ứng là cần thiết để ngăn ngừa các đợt viêm xoang lặp đi lặp lại.
– Không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh hít khói thuốc thụ động (hút thuốc làm hỏng các yếu tố bảo vệ tự nhiên của mũi, miệng, cổ họng và hệ hô hấp);
– Thường xuyên lau dọn vệ sinh nhà ở, nơi làm việc.
Viêm mũi xoang có thể điều trị được và hầu hết mọi người có thể tự khỏi trong vòng 1-2 tuần nếu được chăm sóc và dùng thuốc đúng cách. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn bị viêm xoang mạn tính hoặc tái phát nhiều lần, bạn cần đi khám bác sĩ.