Điện tâm đồ (đo điện tim) là phương pháp đơn giản, an toàn và không xâm lấn để đo hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ được sử dụng rộng rãi trong y học, có thể áp dụng cho mọi đối tượng để chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý tim như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, bất thường cấu trúc tim.
Máy đo điện tim thường ECG (điện tâm đồ)
1. ECG LÀ GÌ?
Điện tâm đồ, hay còn gọi là đo điện tim (Electrocardiogram, viết tắt ECG, EKG) là một xét nghiệm ghi lại hoạt động điện học của tim dưới dạng đồ thị.
Các xung điện tự nhiên điều phối sự co bóp của tim để giữ máu tuần hoàn. Điện tâm đồ ghi lại những xung điện này. Sự thay đổi của xung điện được phát hiện qua điện tâm đồ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan đến tim.
ECG được đo khi nghỉ ngơi, còn gọi là điện tim thường để phân biệt với các phương pháp đo điện tim khác (đo khi gắng sức hoặc đo Hotler 24 giờ).
2. MỤC ĐÍCH CỦA ECG LÀ GÌ?
Điện tâm đồ có thể là một phần của bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm để tầm soát sức khỏe tim mạch, kiểm tra:
– Tốc độ tim đập
– Nhịp điệu tim đập
– Đau tim
– Lưu lượng máu đến tim
– Cấu trúc tim
Điện tâm đồ được chỉ định ở những bệnh nhân có triệu chứng để chẩn đoán các bệnh lý:
– Rối loạn nhịp tim: nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều
– Phì đại cơ nhĩ, cơ thất
– Rối loạn dẫn truyền
– Nhồi máu cơ tim
– Bệnh tim thiếu máu cục bộ
– Tổn thương cơ tim, màng ngoài tim
– Rối loạn điện giải
Điện tâm đồ được sử dụng để theo dõi điều trị ở những bệnh nhân tim mạch hoặc đang sử dụng thuốc có khả năng ảnh hưởng đến tim.
3. AI CẦN ĐO ECG?
Bạn có thể thực hiện ECG kể cả khi bạn còn trẻ và không có bất kỳ dấu hiệu bệnh tim nào. Đôi khi một số bệnh lý tim mạch, ví dụ như rối loạn nhịp tim có rất ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu nên bạn khó nhận ra được. Điện tâm đồ là cách đơn giản và nhanh chóng nhất để phát hiện một số bệnh lý tim mạch sớm.
Bạn cũng nên đo ECG định kỳ nếu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch như: trên 55 tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm…
Ngoài ra, ECG thường được chỉ định cho các đối tượng dưới đây:
– Có triệu chứng bệnh tim mạch: đau tức ngực, đánh trống ngực, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, mệt mỏi nghiêm trọng…
– Trước khi phẫu thuật để đánh giá sức khỏe tim.
– Đang mắc bệnh tim mạch cần đánh giá và theo dõi hiệu quả điều trị.
– Sau khi điều trị nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc hoặc sau phẫu thuật tim, thông tim.
– Cấy ghép máy tạo nhịp tim.
4. QUY TRÌNH ĐO ECG
Điện tâm đồ đặt điện cực lên ngực, cổ tay và cổ chân
Điện tâm đồ được thực hiện bởi kỹ thuật viên hoặc điều dưỡng, còn kết quả sẽ được đọc bởi bác sĩ Nội tổng quát hoặc bác sĩ Tim mạch.
– Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám, kéo quần áo để lộ vùng ngực, cổ tay, cổ chân.
– Dùng bông gạc lau sạch vùng da sẽ gắn điện cực nếu cần.
– Xác định vị trí và đặt các điện cực vào ngực, cổ tay, cổ chân hai bên. Điện cực kết nối bằng dây dẫn với máy điện tim. Tín hiệu điện tim được hiển thị trên màn hình dưới dạng những đường lượn sóng.
– Ghi lại các sóng điện tim bất thường trong khoảng vài chục giây.
– Tháo tất cả các điện cực và kết thúc quá trình đo điện tâm đồ.
Trong suốt quá trình đo ECG, bạn cần nằm yên thư giãn. Căng thẳng hoặc cử động có thể làm thay đổi kết quả. Điện tâm đồ không gây đau đớn và cũng không có bất kỳ biến chứng nào. Bạn có thể cảm thấy lạnh khi điện cực áp vào da. Một số hiếm người có thể bị kích ứng tại vị trí dán điện cực.
Trước khi đo điện tâm đồ, không tập thể dục hoặc hút thuốc lá để tránh gây ra kết quả sai.
Nếu kết quả đo điện tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán hoặc loại trừ một số nguyên nhân gây ra bất thường về tim.
Ngoài đo điện tim thường, bạn có thể cần làm thêm Holter 24h nếu bác sĩ nghi ngờ rối loạn nhịp tim hoặc thiếu máu cơ tim. Thiết bị đo điện tim di động sẽ được gắn trên cơ thể để theo dõi nhịp tim liên tục trong 24 giờ.