Ngoại khoa là gì? Khoa ngoại gồm những bệnh gì? Đây là những câu hỏi mà người dân hay đặt ra khi nghe nói về chuyên khoa này.
Nếu như bạn đã từng đi đến các cơ sở y tế để khám bệnh hoặc lấy thuốc, thì có thể sẽ biết đến các thuật ngữ này, còn nếu như bạn chưa rõ và muốn tìm hiểu rõ hơn về chuyên khoa này cũng như các bệnh lý liên quan, thì hãy cùng theo dõi những thông tin được chia sẻ ở bài viết sau đây.
Khoa ngoại là gì?
Khoa ngoại, hay còn gọi là ngoại khoa – là một phân ngành nằm trong y học có liên quan đến việc chữa lành bệnh hoặc những tổn thương ở bên trong hay bên ngoài, dựa trên các thao tác dùng đến dao kéo để loại bỏ hoặc điều chỉnh các bộ phận hay áp dụng các thiết bị công nghệ cao để nâng cao hiệu suất thực hiện cũng như hồi phục.
Ban đầu, việc phẫu thuật chỉ là sự tác động thông qua dao kéo để mang đến những hành vi can thiệp đến cơ thể nhằm mục đích chẩn đoán hoặc chữa trị. Cùng với sự tiến bộ của y học, thì các phương pháp phẫu thuật đã ngày càng biến đổi, trở nên thuận lợi cũng như nhanh chóng hơn thông qua các thiết bị y khoa, máy móc y tế hiện đại.
Được xem là ông tổ của ngành y, Hippocrates đã đặt nên nền tảng cho y học và ngoại khoa thông qua việc dùng nước sôi để nguội và rượu để tiến hành rửa vết thương. Ngoài ra, ông còn thực hiện các thao tác chữa xương bị gãy bằng cách cố định, nắn chỉnh xương khớp bị lệch, đốt búi trĩ để điều trị tình trạng trĩ ngoại…
Có thể nhận thấy, phẫu thuật là một phương pháp điều trị bệnh nhanh chóng lại hiệu quả mà thuốc men không làm được, nhưng song song đó cũng sẽ tiềm ẩn một số rủi ro mà người bệnh phải đối mặt như đau, mất máu hoặc bị nhiễm trùng sau đó.
Khoa ngoại gồm những bệnh gì?
Bệnh ngoại khoa là những bệnh gây nên các rối loạn hoạt động hoặc làm thay đổi cấu trúc của các cơ quan trong cơ thể của người bệnh. Thường thì các thay đổi này sẽ gây ra các bệnh lý cần đến sự điều chỉnh bằng thuốc, các kỹ thuật mổ xẻ – may vá hay công nghệ y khoa nhằm loại bỏ hoặc sửa chữa các bộ phận bị hư hỏng và giúp cơ thể trở về trạng thái bình thường.
Dưới đây là tổng hợp các bệnh lý thuộc mảng khoa ngoại, bao gồm:
– Về hậu môn – trực tràng: Các bệnh trĩ nội – ngoại; Nứt, rò, hẹp, áp xe hậu môn; Sa trực tràng; Ung thư trực tràng, ống hậu môn… Các bệnh lý này có thể áp dụng mổ hở, mổ nội soi hoặc điều trị bằng các các phương pháp ngoại khoa khác như Longo (với trĩ) hoặc Miles (trực tràng, đại tràng).
– Về thoát vị (sa ruột): Điều trị thoát vị bẹn qua nội soi, đặt lưới tái tạo thành bẹn hoặc chữa trị tình trạng thoát vị thành bụng do tự nhiên hay do mổ.
– Về đường mật: Cắt bỏ túi mật do sỏi, viêm hoặc có u; Lấy sỏi, cắt nang ở ống mật chủ; Lấy sỏi, chữa hẹp đường mật; Nối mật ruột…
– Về gan, tụy, lách: Cắt gan, cắt 1 phần tụy, cắt khối tá tụy, cắt lạch do bệnh hoặc do chấn thương, khoét chóp nang gan…
– Về hệ tiêu hóa: Cắt nửa dạ dày hoặc toàn phần, cắt ruột non; Nạo hạch dạ dày; Nối vị tràng; khâu lỗ ruột non, dạ dày; Mở dạ dày nuôi ăn; Chữa hẹp môn vị, ung thư dạ dày.
– Về ung thư: Điều trị khối u, hạch bạch huyết trên da, vú, trên các cơ quan như thực quản, dạ dày, gan, túi mật, đường mật, ruột non, đại tràng, trực tràng, hậu môn và các tuyến trên cơ thể như tuyến tụy, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến mang tai, tuyến thượng thận; Ngăn ngừa các tình trạng di căn, tái phát u sau phẫu thuật.
– Về nội tiết: Loại bỏ và chữa các bướu, khối u ở tuyến giáp, tuyến cận giáp; Chữa trị tình trạng cường giáp, ung thư.
– Bệnh lý thông thường và có chuyển hoá: Các tình trạng áp xe, viêm ở mô tế bào, xuất hiện hạch bạch huyết, hoại tử do vi khuẩn hay bị thiếu máu cục bộ.
Trước khi phẫu thuật cần chuẩn bị gì?
Phẫu thuật ngoại khoa là phương pháp chỉ áp dụng khi thực sự cần thiết hoặc điều kiện của người bệnh phù hợp và có nhu cầu thực hiện.
Việc chuẩn bị cũng như các bước tiến hành sẽ tùy vào mức độ và tình trạng của bệnh nhân:
- Trường hợp mổ cấp cứu:
Ngay khi đến bệnh viên, người bệnh sẽ được khám và kiểm tra với các xét nghiệm bao gồm: Lấy máu để xem các chỉ số gan thận, chức năng đông và cầm máu; Kiểm tra chức năng tim phổi qua chụp X – quang và điện tâm đồ; Ngoài ra, có thể thực hiện siêu âm tim để kiểm tra xem người bệnh có gặp các vấn đề liên quan hay không.
Trong quá trình này, người bệnh cần thông báo các loại thuốc cũng như tiền sử dị ứng cho bác sĩ biết. Sau đó, việc thực hiện ca điều trị sẽ diễn ra dưới thuốc gây mê và gây tê nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm.
- Không thuộc diện cấp cứu:
Khoảng 1 tuần trước khi mổ, người bệnh cần phải ngưng sử dụng tất cả loại thuốc kháng viêm và chống đông máu. Vào đêm trước ngày mổ, người bệnh có thể ăn nhẹ một số thức ăn để hạn chế cơn đói ập đến.
Đến ngày thực hiện ca mổ, người bệnh sẽ nhịn ăn hoàn toàn, có thể tắm rửa sạch và đại tiện trước khi tiến hành. Với người bị mắc các bệnh huyết áp, tim mạch và thiếu máu thì sẽ được điều trị nội khoa trước khi chuyển sang ngoại khoa.
Những trường hợp gặp các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa có thể phải tiến hành rửa ruột hoặc dùng thuốc xổ dưới hướng dẫn của bác sĩ trước khi nhập viện.
Trên đây là những chia sẻ về “Ngoại khoa là gì? Khoa ngoại gồm những bệnh gì”. Nhìn chung, so với việc dùng thuốc thì hình thức điều trị bằng ngoại khoa lại mang đến hiệu suất cao hơn về mặt thời gian chữa lẫn thời gian lành, tuy nhiên nó cũng là một tiềm ẩn các ảnh hưởng tiêu cực cũng như nguy cơ biến chứng có thể xảy ra trong quá trình hoặc sau khi thực hiện đối với bệnh nhân.